Chùa Phật Tích Bắc Ninh ở đâu?
Chùa Phật Tích hay còn có tên chữ là Vạn Phúc Tự nằm trên lưng chừng núi Phật Tích tại xã Phật Tích, huyện Tiên Du thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là ngôi chùa được khởi công xây dựng và hoàn thiện vào khoảng thế kỷ thứ 7 tới thế kỷ thứ 10.
Chùa Phật Tích là một di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã gìn giữ và bảo tồn được nhiều di vật của Phật giáo với số lượng lớn và đa dạng.
Giống như những ngôi chùa khác quanh vùng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp… chùa Phật tích là một trong những di tích văn hóa được những nhà nghiên cứu khoa học nghệ thuật cả trong lẫn ngoài nước quan tâm tìm hiểu. Chính từ đó đã gợi ra được những nét đặc trưng, độc đáo của ngôi chùa này.
Quá trình hình thành của chùa Phật Tích Bắc Ninh
Theo những tài liệu ghi chép rằng, chùa Phật Tích được xây dựng vào năm Long Thụy Thái Bình thứ 4 (tức khoảng năm 1057) với nhiều dãy ngang và dọc khác nhau. Cho tới ngày nay thì ngôi chùa được xây dựng vào thời Lý này đã không còn mà được xây dựng lại bằng một ngôi chùa hoàn toàn mới.
Năm 1066, vua Lý Thánh Tông đã hạ lệnh xây một tòa tháp cao. Sau khi tháp bị đổ mới lộ ra phía trong có một bức tượng Phật A-di-đà được làm bằng đá xanh nguyên khối, phía ngoài được dát bằng vàng. Để đánh dấu sự kiện xuất hiện của bức tượng này, người dân xóm Hỏa Kê kế cạnh chùa đã đồi tên thành thôn Phật Tích.
Trên tấm văn bia Van Phúc Đại Thiền Tự Bi có niên đại vào năm Chính Hòa thứ bảy (năm 1686) có ca ngợi vẻ đẹp của ngôi chùa này như sau: “Đoái trông danh thắng đất Tiên Du, danh sơn Phật Tích, ứng thế ở Càn phương (hướng Nam) có núi Phượng Lĩnh bao bọc, phía tả Thanh Long nước chảy vòng quanh. Phía hữu Bạch Hổ núi ôm, trên đỉnh nhà khai bàn đá…”
Năm 1071, vua Lý Thánh Tông du ngoạn khắp nơi quanh vùng Phật Tích và tự tay viết một chữ “Phật” dài gần 3 sải, chữ được khắc vào đá và đặt trên sườn núi. Bà Nguyên phi Ỷ Lan đã chứng kiến và có những đóng góp quan trọng trong những ngày đầu xây chùa Phật Tích.
Lúc bấy giờ vua Trần Nhân Tông đã cho dựng một thư viện tại chùa và cung Bảo Hoa. Sau khi hoàn thành, vua đã sáng tác tập thơ “Bảo Hoa dư bút” dài tới 8 quyển. Vua Trần Nghệ Tông sau này đã chọn nơi đây làm nơi tổ chức cuộc các cuộc thi Tiến sỹ thời bấy giờ.
Xem thêm: Chùa Hòe Nhai và bức tượng “Vua Sám Hối” có một không hai
Tới thời vua Lê Hy Tông (1686), chùa đã được xây dựng lại với một quy mô rất lớn và được đổi tên thành Vạn Phúc Tự. Người đóng góp công lao lớn nhất trong việc xây dựng lại ngôi chùa đó chính là Bà Chúa Trần Ngọc Am – đệ nhất cung tần của Chúa Thanh Đô Vương Trịnh Tráng, người sau khi rời phủ Chúa về nơi đây tu hành.
Trên bia đá còn chép lại cảnh tượng huy hoàng của ngôi chùa như sau: “Trên đỉnh núi có một tòa nhà đá, bên trong sáng như ngọc lưu ly. Sân điện to rộng, sáng sủa mà lại kín. Bậc thềm có bày thú đá, phía sau có Ao Rồng, trên gác cao vẽ chim phượng và sao Ngưu, sai Đẩu lấp lánh…”.
Thế rồi sự huy hoàng đó của ngôi chùa cũng chỉ kéo dài được khoảng 300 năm. Vào giai đoạn kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam chùa đã bị tàn phá và hư hại nặng nề. Vào năm 1947 chùa đã bị thực dân Pháp đốt cháy và thiêu rụi một cách hoàn toàn.
Sau khi giành được hòa bình (1954) tới nay, chùa Phật Tích đã dần được xây dựng và khôi phục lại giống vẻ ban đầu. Năm 1959. Bộ văn hóa đã cho tái tạo lại ba gian chùa để làm nơi đặt pho tượng A-di-đà bằng đá quý giá. Tới tháng 4 năm 1962, chùa Phật Tích đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Kiến trúc và cảnh quan Chùa Phật Tích
Tháp tại chùa Phật Tích có nền móng chân tháp hình vuông với kích Kiến trúc và cảnh quan Chùa Phật Tíchthước khoảng 9×9 mét, độ dày tháp trung bình vào khoảng hơn 2 mét, không gian ở giữa rộng hơn 80 mét vuông và chân tháp được xây bằng vật liệu có từ thời Lý.
Những kỹ thuật xây móng nền ở đây có thể so sánh được với móng nền những công trình kiến trúc ở Hoàng Thành Thăng Long thời Lý. Trên các viên gạch xây tháp đều có ghi dòng chữ: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo” (do vua ba đời nhà Lý năm Long Thụy Thái Bình thứ tư xây dựng).
Giống như các ngôi chùa cổ khác tại Việt Nam, chùa Phật Tích được thiết kế theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc”. Phía trước sân là một vườn hoa mẫu đơn rực rỡ. Phía bên phải là Miếu thờ Chúa Bà Trần Thị Ngọc Am. Và bên trái chùa là nhà tổ đệ nhất thờ thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ. Thiền sư mất tại đây vào năm 1644 thọ 55 tuổi, hiện nay trong chùa vẫn còn lưu giữ pho tượng của Chuyết công đã kết hỏa trong lúc ngồi thiền.
Tới ngày nay, chùa Phật Tích Bắc Ninh có tất cả 7 gian tiền đường dùng vào việc đón khách, 5 gian thờ Phật, thờ đức A-di-đà và các vị Tam thế Phật cùng 8 gian nhà tổ và 7 gian thờ thánh Mẫu.
Ba bậc nền của ngôi chùa được bạt vào sườn núi thể hiện được phong cách kiến trúc đặc trưng của thời Lý với diện tích các nền hình chữ nhật vào khoảng 60m chiều dài và 33 mét chiều rộng và được bổ trí các tảng đá hình khối chữ nhật ở phía mặt ngoài.
Tương truyền kể lại rằng, bậc nền thứ nhất là sân chùa cùng vườn hoa mẫu đơn, địa điểm trong câu chuyện Từ Thức gặp tiên. Bậc thứ hai là nơi có các kiến trúc cổ nhưng với sự hủy hoại theo năm tháng thì tới nay đã không còn nữa.
Nhiều nhà nghiên cứu khảo cổ đã đào được ở phía dưới lớp nền móng này và phát hiện ra nhiều di vật điêu khác có từ thời nhà Lý và đặc biệt là nền của một ngôi tháp gạch hình vuông có độ dài mỗi cạnh 8,5 mét. Nền thứ ba là nền cao nhất, có một cái ao hình chữ nhật đã cạn nước ở trong.
Khu bảo tháp tại chùa
Phía sau sân nền có tất cả 32 ngọn tháp được xây dựng từ gạch và đá là nơi lưu trữ những viên xá lị của các nhà sư, trụ trì đã từng tu hành ở đây, phần lớn được xây vào thế kỷ 17.
Tháp Phổ Quang là ngọn tháp cao nhất với chiều cao hơn 5 mét bao gồm đế, khám thờ, hai tầng điểm và mái với thiết kế chóp tròn.
Những tác phẩm điêu khắc bằng đá tại chùa Phật Tích
Ngoài các công trình kiến trúc, chùa Phật Tích Bắc Ninh còn có rất nhiều các tác phẩm điêu khắc trên đá cổ kính, trong đó có những tác phẩm có từ thời nhà Lý được lưu giữ đến tận ngày nay như tượng sư tử, voi, tê giác, trâu , ngựa… và đặc biệt hơn là bức tượng Phật A-di-đà đang ngồi thiện trên tòa sen.
Các di vật khác như đá ốp tường, đấu kê… cũng đều được chạm khắc hình Kim Cương, Hộ Pháp, thần điểu, nhạc công, vũ nữ… mang nét đặc trưng của thời Lý.
Lễ hội tại chùa Phật Tích
Vào ngày mồng 4 tháng giêng hằng năm, người dân tại xã Phật Tích thường mở những lễ hội truyền thống để tưởng nhớ công lao của những người đã khai sinh và xây dựng ngôi chùa.
Trong những ngày này, du khách từ rất nhiều nơi trên mọi miền đất nước đều đổ về đây để cầu nguyện cho gia đình bình an, sức khỏe dồi dào và công việc thuận buồm xuôi gió. Khi tới đây vào những ngày này, du khách còn có thể thưởng thức những cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hay tham gia các trò chơi lễ hội như đấu vật, đánh cờ hay đặc sản quan họ Bắc Ninh…
Ngoài ra dịp đầu xuân nơi đây còn có lễ hội Khán hoa mẫu đơn cũng thu hút được rất nhiều du khách đến thăm. Thuyết kể rằng tại chùa và vùng Phật Tích khi xưa có trồng rất nhiều hoa mẫu đơn. Tới độ xuân về là hoa lại nở đỏ rực cả một phương trời khiến người người đổ về đây trảy hội ngắm hoa và vãn cảnh chùa.
Giáng Hương, một nàng tiên trên trời thấy vậy đã xin giáng trần để dự hội chùa. Sau đó không may thay nàng đã làm gãy một cành mẫu đơn nên bị chú tiểu giữ lại. Chàng Từ Thức thấy vậy liền xin chuộc tội thay nàng.
Cảm động với hành động cao đẹp của chàng trai hào hoa phong nhã, nàng Giáng Hương đã ngỏ lời thề hẹn với Từ Thức và mời chàng về chốn bồng lai kết duyên vợ chồng. Từ đó câu chuyện Từ Thức gặp tiên đã gắn liền với lễ hội hoa mẫu đơn của chùa Phật Tích nơi đây.