Việc khai Đền mở Phủ, lập Miếu dựng Am… với mục đích thờ cúng Tiên Thánh Thần thuộc công đồng Tam Tứ Phủ là một hình thức biểu đạt niềm tin vào sự Chân Thiện Mĩ, thể hiện thế giới quan vũ trụ sâu sắc.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ Công Đồng
Những Thánh Thần được thờ cúng hầu hết đều thể hiện được tinh thần uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc Việt Nam và những người theo đạo Mẫu. Nó thể hiện rõ cho chúng ta rằng những tín đồ theo đạo Mẫu đều là những người theo chủ nghĩa yêu nước một cách sâu sắc nhất thông qua những hành động lễ bái, thờ cúng để tuyên dương và tôn vinh những người đã có công với quốc gia, đất nước.
Bằng việc thờ cúng Tứ phủ công đồng còn thể hiện được mong mỏi mối quan hệ hiệp thông giữa Thanh đồng với các vị Tiên Thánh Thần qua các Tòa, Phủ, Đền, Điện nơi các thánh sự được diễn ra.
Việc thờ cúng Tứ phủ công đồng được phân thành hai loại như sau: Thờ ở Tòa, Phủ, Đền và thờ ở Điện.
Thủ Nhang hoặc Ban Trị Sự sẽ là người chịu trách nhiệm về những việc Thánh sự ở mỗi Tòa, Phủ, Đền. Còn tại Điện là do Đồng chăm lo. Người phải có Đồng thì mới có thể trở thành người đứng đầu chăm lo việc Điện.
Cách bài trí ngôi vị trong các Tòa, Phủ, Đền
Cách bài trí ngôi vị của Tiên Thánh trong các Tòa, Phủ, Đền thường theo lối “Tam cung lục viện” với 3 cung chính, đôi khi có một vài trường hợp có chút khác biệt.
Cung đầu tiên (hậu cung) là cung thờ Tam Tòa Thánh Mẫu được xếp ở vị trí cao nhất trong cùng, phía trước Tam Tòa Thánh Mẫu là Thánh giá chính của nơi đó ở vị trí chính giữa thấp hơn một bậc. Hậu cung là nơi không được hầu đồng và không thể tùy tiện đi lại trừ Thủ Tòa, Đền, Điện. Trên mái hậu cung được treo nón Tam Tòa Thánh Mẫu và hài, khăn, quạt có thể được trưng trên ban.
Cung tiếp theo (trung đường) còn gọi là cung Hội Đồng, đây là nơi thờ phối thờ Ngũ Vị Tôn Ông, Tứ phủ Thánh Chầu, Tứ phủ Thánh Hoàng, Thánh Cô, Thánh Cậu. Ngoài ra hai bên cung còn có thêm 2 cung nữa gọi là Hội đồng Sơn Trang và Trần Triều. Hai cung này có thể tổ chức hầu đồng. Trên mái trung đường được treo nón Ngũ Vị Tôn Ông rồi tới nón Công đồng. Cung Sơn Trang thì treo nón Tòa chúa, bên Trần Triều thì treo nón nhà Trần.
Cung cuối phía ngoài cùng được gọi là cung trình. Đây là nơi thờ Tam giới Thiên chúa Tứ phủ Vạn linh Công đồng Đại đế. Đây là nơi tiến lễ và dâng sớ và được điểm bằng tàn lọng, chấp kích.
Ngoài ra khu vực sân đền còn có thể thờ phối Cô, Cậu vào ra làm việc hầu hạ Tiên Thánh. Phía ngoài cổng thờ các bính tướng trấn thủ Tòa, Đền, Phủ.
Có thể bạn quan tâm:
- Tìm hiểu về tục lệ cúng ông Công ông Táo về trời hằng năm
- Bà Chúa Ngọc là ai? Hình tượng Bà Chúa Ngọc độ mạng
Cách bài trí ngôi vị tại Điện thờ Tứ phủ
Điện thờ Tứ phủ thường được chia làm ba ban chính: ban Công đồng, ban Trần Triều và ban Sơn Trang.
Với những điện thờ có tôn trí Thánh tượng thì cách bài trí ban Công đồng như sau:
- Lớp đầu tiên: thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh
- Lớp thứ 2: Tam giới thiên chúa và hai quan hầu
- Lớp thứ 3: Tam Tòa Thánh Mẫu
- Lớp thứ 4: Ngũ Vị Tôn Ông
- Lớp thứ 5: Tứ phủ Chầu bà
- Lớp thứ 6: Tứ phủ Quan Hoàng (thường chỉ thờ Ông Bảy, Ông Mười và Ông Bơ)
- Lớp thứ 7: Tứ phủ Thánh Cô và Tứ phủ Thánh Cậu
Phía dưới ban Công đồng là Hạ ban.
Sân của điện thờ còn thờ Mẫu Thượng Thiên.
Ban Sơn Trang và Ban Trần triều nằm ở hai bên trái và phải của Ban Công Đồng.
Với những điện thờ không có tôn trí Thánh tượng thì cách bài trí ban Công đồng như sau:
- Lô hương đầu tiên thờ Mẫu Liễu Hạnh
- Lô hương thứ hai thờ Tam Tòa Thánh Mẫu
- Lô hương thứ ba thờ Công đồng Tiên Thánh
- Lô hương Sơn Trang và Trần triều ở hai bên Ban Công Đồng
- Lô hương thờ Mẫu Thượng Thiên được thờ ở ngoài trời với linh vị “Phụng thỉnh Thiên tiên Cửu trùng Thiên Thanh vân Công chúa cung quyết hạ”
- Điện thờ tại gia được phép hầu đồng vì chỉ duy nhất có một cung và sẽ thờ vị Thánh bản mệnh của Đồng đền làm trưởng thượng, hằng năm phải theo lễ tiết kị đản của vị Thánh Bản mệnh đó.