Tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc ta đã có từ rất lâu về trước, đây là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh được gìn giữ và lưu truyền lại qua biết bao thế hệ của người Viêt Nam. Tín ngưỡng thờ Mẫu lấy việc tôn thờ hình tượng người Mẹ với những quyền năng bảo vệ, che chở cho con người.
Vào năm 2016, UNESCO đã ghi danh di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại hơn 21 tỉnh thành tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.
Sự khác nhau giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ
Với quan điểm của mình, tác giả cuốn sách “Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và thờ thánh ở Việt Nam” cho rằng thường có rất nhiều người hiểu sai giữa hai khái niệm này. Nói một cách cơ bản thì “Tín ngưỡng thờ Mẫu” và “Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ” có những nét tương đồng như nhau, thế nhưng tín ngưỡng thờ Mẫu lại có phạm vi lớn hơn đôi chút.
Tại khu vực ba miền Bắc Trung Nam, tín ngưỡng thờ Mẫu được tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như:
Ở khu vực miền Bắc tín ngưỡng thờ Mẫu được bắt nguồn từ những tục lệ thờ Nữ thần có nguồn gốc từ thời cổ đại tới thời phong kiến thì một số được cung đình hóa và đưa vào lịch sử trở thành các Mẫu thần tương ứng với các danh xưng thường thấy như Quốc Mẫu, Vương Mẫu và Thánh Mẫu…
Từ sau thế kỷ 15, hình thức thờ Mẫu Tam Tứ Phủ dần được định hình và phát triển bởi sự xuất hiện của Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải… và các vị thánh khác trong hệ thống thần linh Tứ Phủ.
Ở khu vực trung bộ, việc thờ Mẫu được thể hiện qua hình thức thờ Nữ thần, mẫu thần như Tứ vị Thánh Nương, Chúa Bà Ngũ Hành hay Thiên Y A Na.
Ở khu vực Nam bộ, hình thức thờ Mẫu và Nữ thần ít hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Các vị thần được thờ như Bà Ngũ Hành, Tứ vị Thánh Nương, Bà Chúa Lộc hay Bà Tổ Cô…
Khác với tín ngưỡng thờ Mẫu, tín ngưỡng Tam Tứ Phủ còn thờ thêm các nam thần khác như vua cha, ông hoàng, quan hoàng, thánh cậu… Số lượng giữa các nam thần và nữ thần được cân bằng đồng đều, hài hòa về âm dương.
Chính vì vậy,có thể nói rằng với hệ thống các vị thần linh được thờ tại Việt Nam, gọi là Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ hay Tứ Phủ có phần hợp lý hơn.
Xem thêm:
- Đệ Nhị Vương Cô Đại Hoàng Công Chúa triều Trần và những điều cần biết
- Tín ngưỡng hầu đồng là gì? Các giá hầu đồng nổi tiếng
Phân biệt giữa Tam tòa và Tứ tòa Thánh Mẫu
Vì nhiều các nguyên nhân khác nhau mà Tứ vị Thánh Mẫu của Tứ Phủ hay được gộp lại thành Tam Tòa Thánh Mẫu.
- Thiên – Địa đồng quy: Mẫu Tiên ủy thác cho Mẫu Liễu Hạnh trở thành đại diện, là Thánh Mẫu Thần Chủ.
- Nhạc Phủ và Địa Phủ được gộp lại vì đều là nơi con người sinh sống trong khi đó Thiên Phủ là Thượng Nguyên, Thoải Phủ là Hạ Nguyên.
- Mẫu Thượng Ngàn được tách riêng thờ tại Cung Sơn Trang.
Tại các điện thờ Mẫu thường có ba bức tượng Nữ thần đặt cạnh nhau. Mẫu Thượng Ngàn mặc trang phục màu xanh lá tượng trưng cho rừng núi. Mẫu Thoải mặc trang phục màu trắng tượng trưng cho nước và Mẫu Địa mặc trang phục màu vàng tượng trưng cho đất. Ba vị Mẫu này hợp thành Tam phủ giải thích được nguồn gốc và quá trình phát triển của người Việt từ lúc còn ở trên rừng trên núi, lội sông lội suối dần xuống đồng bằng trồng lúa, định cư.